Chương 6 - Con Riêng Đến Từ Đâu
QUAY LẠI CHƯƠNG 1 :
Khi mẹ tôi biết được ý nghĩ đó, bà đỏ bừng cả mặt, hét lên đầy giận dữ:
“Bọn mày đều là con gái! Con gái với con gái ở với nhau là trái đạo đức, loạn luân!”
Bà nói tôi đã khiến bà mất hết mặt mũi. Nhưng thử hỏi, nửa đời trước của bà, có mặt mũi nào đâu?
Có tháng nào mà bà không bị chồng mình – một kẻ nghiện rượu – đánh đến thâm tím mặt mày?
Mẹ của Xuân Hà cũng chẳng khá hơn.
Người đàn bà yếu đuối cả đời đó – người mà khi chủ nợ kéo đến chỉ dám run rẩy trốn sau lưng con gái mình – ấy vậy mà khi đối mặt với con, lại to gan lạ thường.
Bà ta nhốt Xuân Hà trong nhà, miệng mắng chửi còn cay độc hơn cả mẹ tôi.
Bà ta gào lên:
“Mày là đồ biến thái! Sao mày không chết quách đi cho xong?!”
Bà ta nắm tóc Xuân Hà, đập đầu con gái mình vào tường, mắng chửi thậm tệ.
Trong những ngày tháng đen tối đó, tôi và Xuân Hà không chỉ một lần nghĩ: Hay là cùng nhau chết đi cho rồi.
Nhưng… tại sao phải chết?
Tại sao người sai là họ, mà người phải biến mất lại là chúng tôi?
Chúng tôi thích ai, thích điều gì – đâu có trộm cắp đâu có phạm pháp – vậy thì sai ở chỗ nào?
Cớ sao thế tục lại nhìn chúng tôi bằng ánh mắt định kiến?
Gả cho đàn ông, thì nhất định sẽ có kết cục tốt đẹp sao?
10.
Không gian lại rơi vào im lặng, chỉ còn tiếng côn trùng vang lên khe khẽ.
Giọng nói của Chu Kỳ thấp và khàn, bị tiếng côn trùng che lấp một nửa, nhưng tôi vẫn nghe rõ được ý anh ta.
Anh ta hỏi, nếu tôi đã không muốn kết hôn, tại sao cuối cùng vẫn lấy anh ta?
Thật ra rất đơn giản.
Mẹ tôi lấy cái chết ra ép buộc. Cộng thêm việc Xuân Hà cũng bị gia đình cưỡng ép gả đi.
Cưới mà như không – cha mẹ cô ấy nhận được sính lễ rất lớn từ phía nhà trai, Xuân Hà còn chưa biết mặt mũi chồng tương lai thế nào, nhà ở đâu, đã bị bắt ép lên xe hoa.
Sau khi Xuân Hà lấy chồng, mẹ tôi cho rằng tôi làm bà mất mặt. Bà nói nếu tôi không lấy chồng, bà sẽ cả đời không thể ngẩng đầu trước họ hàng làng xóm.
Cuối cùng bà dọa sẽ chết trước mặt tôi.
Tôi không hiểu việc tôi có kết hôn hay không thì liên quan gì đến việc bà ấy có ngẩng đầu được hay không.
Nhưng bà đã sinh ra, nuôi nấng tôi, lại dùng mạng sống để ép, tôi làm sao dám thật sự để bà chết?
Lúc đó tôi còn quá trẻ, rất dễ bị trói buộc bởi những ràng buộc đạo đức mang tên “tình thân”.
Tôi nghe lời mẹ, ngoan ngoãn đi xem mắt từng người do bà sắp xếp.
Cho đến khi gặp Chu Kỳ. Năm đó tôi hai mươi tư, anh ta hai mươi sáu.
Cả hai đều bị gia đình giục gả, chẳng có nhiều thời gian tìm hiểu. Tôi vốn cũng định như bao lần trước: gặp rồi từ chối, đỡ mất thời gian của nhau.
Tôi vẫn còn lương tâm, không muốn làm lỡ dở người thật lòng muốn lập gia đình.
Nhưng trong buổi gặp gỡ với Chu Kỳ, anh ta nói một điều khiến tôi động lòng – anh ta muốn sống kiểu DINK (không con cái).
Với tôi, điều đó chẳng khác nào đang buồn ngủ lại có người đưa gối.
Thế là chúng tôi nhanh chóng xác định mối quan hệ.
Nhưng sau khi kết hôn, ngày nào cũng phải sống với một người đàn ông khiến tôi nghẹt thở đến mức chỉ muốn ly hôn, thậm chí muốn chết.
Huống hồ, Chu Kỳ còn rất giỏi “bạo lực lạnh” – chỉ vì những chuyện cỏn con, anh ta có thể mười ngày nửa tháng không nói với tôi một câu.
Kết hôn được nửa năm, khi tôi gần như không chịu nổi và chuẩn bị đề nghị ly hôn, thì hôn nhân này lại có một bước ngoặt lớn.
Tôi phát hiện Chu Kỳ thường xuyên liên lạc với một người phụ nữ đã có chồng – người phụ nữ đó lại chính là chị dâu trên danh nghĩa của anh ta.
Cũng chính thời điểm đó, tôi tìm mọi cách liên lạc được với Xuân Hà sau bao năm mất liên lạc.
Chồng Xuân Hà là một gã ăn chơi trác táng – nhậu nhẹt, cờ bạc, gái gú, hút thuốc – không gì không biết. Việc bạo hành vợ như cơm bữa.
Khi Xuân Hà mang thai được bốn tháng, anh ta lại say rượu, không chỉ đánh cô ấy suýt chết mà còn khiến cô ấy mất đi đứa con trong bụng.
Xuân Hà nhiều lần bỏ về nhà mẹ đẻ, nhưng mỗi lần đều bị người nhà báo cho chồng đến đón về.
Lúc đó Xuân Hà đã hoàn toàn tuyệt vọng. Tôi tìm được cô ấy, nhìn thấy một người phụ nữ bị hôn nhân nghiền nát đến méo mó cả thể xác lẫn tâm hồn. Chúng tôi ôm nhau mà khóc nức nở.
“Hay là mình chết đi cho xong.” – Xuân Hà nói – “A Thư, cái thế giới này không chấp nhận chúng ta.”
Đêm hôm đó, tôi và cô ấy nắm tay nhau đi ra sông, bước từng bước vào vùng nước lạnh buốt.
Khi nước ngập đến thắt lưng, tôi cảm thấy bàn tay Xuân Hà run lên dữ dội.
Cái chết – cái không biết – khiến chúng tôi vô cùng sợ hãi.
Khi nước dâng lên đến ngực, tôi nghe thấy tiếng Xuân Hà nghẹn ngào khóc.
Cô ấy sợ. Tôi cũng vậy.
Có ai đang sống mà lại thật sự muốn chết?
Ngay khi nước sắp nhấn chìm đầu, tôi kéo Xuân Hà – lúc đó đã lả đi – bơi lên bờ.
“Người đáng chết không phải là chúng ta!” – tôi nói với cô ấy –
“Chúng ta đã sống quá khó khăn rồi. Chúng ta đâu có làm điều ác, đâu có tổn thương ai. Chúng ta phải sống tiếp.”
Xuân Hà nhìn tôi đờ đẫn, rồi khóc không thành tiếng.
Người đáng chết, là những kẻ mang tư tưởng cổ hủ, lạc hậu.
Dù mối quan hệ của tôi và Xuân Hà là gì, thì trong cuộc đời này, chúng tôi là nguồn sống, là động lực để nhau tiếp tục.
Khi chúng tôi rơi xuống vực sâu, không ai chìa tay cứu lấy chúng tôi.
Vậy thì bây giờ, khi chúng tôi dựa vào nhau để ngẩng đầu mà sống, cớ sao lại phải để người khác giẫm lên?
Trên đời này làm gì có chuyện dễ dàng, tốt đẹp đến thế!
11.
Chu Kỳ hỏi tôi:
“Nếu em muốn sống với Xuân Hà như vậy, sao không ly hôn với anh?”
Tôi nhìn anh ta, hỏi ngược lại:
“Anh họ anh chết bao nhiêu năm rồi, anh cũng có thể công khai ở bên chị dâu mình. Thế sao anh chưa từng chủ động đề nghị ly hôn với tôi?”
Chu Kỳ im lặng.