Chương 5 - Chuyện Chưa Kể Về Đứa Trẻ Chưa Được Sinh Ra

Quá mệt, tôi vừa đi vừa gần như bò lên đến tầng bốn.

Mở cửa phòng, mùi ngọt ngào của kẹo tràn vào mũi.

Thì ra Kỷ Khuê trước khi đi còn để lại quà cho tôi.

Tôi ngồi xuống trước bàn, nhìn đống quà đầy ắp một hồi ngẩn ngơ.

Cuối cùng, tôi chọn thanh socola nhìn rẻ tiền nhất.

Từ tốn bóc vỏ, nhét vào miệng.

Đắng ngắt.

Nếu hạnh phúc là socola, thì chắc tôi chính là con chó.

6

Từ hôm đó, Kỷ Khuê không quay lại nữa.

Loại người như anh, vốn không cần lo chuyện sinh tồn.

Nếu không phải năm đó nhà họ Kỷ gặp chút biến cố, anh bị hạn chế đi lại, thì anh đã chẳng đặt chân vào ngôi trường đại học bình thường này.

Và cũng sẽ không bao giờ gặp tôi.

Tôi vẫn bận rộn mỗi ngày, bận đến mức chẳng còn sức để nghĩ ngợi lung tung.

Chớp mắt đã nửa tháng trôi qua cuối cùng tôi cũng nhận được một offer vừa ý vào đúng những ngày cuối cùng của mùa tuyển dụng.

Sau khi làm xong thủ tục nghỉ việc ở công ty cũ, chị HR thở phào nhẹ nhõm:

“May quá, không làm lỡ kế hoạch của em.”

Tôi hỏi:

“Vậy em có thể tạm ứng trước tiền lương được không ạ?”

Chị ấy chớp mắt:

“Cái đó thì không được đâu.”

Không được cũng chẳng sao.

Dù gì mấy ngày qua tôi cũng đã gom đủ tiền để phá thai.

Luận văn cũng gần như đã hoàn thiện bản cuối, chỉ còn chờ buổi bảo vệ.

Còn một chút thời gian trước khi nhận việc ở công ty mới, tôi có thể nghỉ ngơi đôi chút.

Cậu trai bị ngã kia cũng không quay lại tìm tôi, thật nhẹ cả người.

Thật may mắn.

Trên đường về trường, tôi tranh thủ đặt lịch hẹn với bác sĩ vào tuần sau.

Nhìn thấy dòng chữ “đặt lịch thành công”, những dây thần kinh căng như dây đàn suốt thời gian qua mới bắt đầu dần thả lỏng.

Dù có khúc quanh giữa đường khiến tôi lệch khỏi lộ trình ban đầu, nhưng ít nhất đến cuối cùng, tôi vẫn kịp quay lại đúng hướng.

Trước khi về ký túc, tôi ghé mua sữa và trái cây để cảm ơn cô quản lý vì những ngày qua đã giúp đỡ.

Gần tốt nghiệp rồi, cả khu ký túc xá đã vơi quá nửa.

Thỉnh thoảng lại thấy có người gói ghém hành lý dọn đi.

Sắp kết thúc thật rồi.

Bốn năm mờ nhạt, cùng ba tháng ngắn ngủi như giấc mộng.

Thật tốt.

Thật nhẹ lòng.

Tôi bước lên hai tầng lầu với tâm trạng nhẹ tênh, điện thoại bỗng đổ chuông.

Nhìn thấy chữ “Nhà” nhấp nháy trên màn hình, toàn thân tôi bỗng như đông cứng lại.

Trong đầu có một giọng nói vang lên:

Đừng bắt máy.

Đừng nghe, Giang Vị.

Ngón tay tôi run lên không kiểm soát được, định nhấn tắt cuộc gọi thì lỡ làm rơi điện thoại xuống đất.

Chạm trúng nút nghe máy.

Giọng một người đàn ông lập tức vang lên:

“Điếc à? Gọi mãi mới chịu bắt!”

Các khớp cứng đờ, tôi từ từ ngồi thụp xuống, đầu óc hoàn toàn trống rỗng.

“Có chuyện gì không?”

Trong lòng tôi đã có câu trả lời, nhưng vẫn không muốn tuyệt vọng sớm như thế.

Lỡ đâu không phải?

Lỡ đâu ông ta bỗng dưng biết nghĩ lại thì sao?

“Chuyển ít tiền qua đây.”

À, đúng là không có “lỡ đâu” nào cả.

Tôi nhặt điện thoại lên, siết chặt trong tay.

Lần đầu tiên trong đời, tôi không muốn làm theo.

“Tôi mới chuyển cho ông rồi. Bây giờ tôi không còn đồng nào cả.”

“Không có tiền thì không biết tự xoay à?”

“…Không còn cách nào khác.”

Đầu dây bên kia im lặng một lúc, rồi bật cười nhạt:

“Được thôi, tao đi tìm em gái mày.”

Tôi mở to mắt:

“Nó mới học cấp hai, lấy đâu ra tiền?”

Gã đàn ông bật cười, giọng cười như ác quỷ vọng vào tai tôi.

Từng chữ từng tiếng, như đánh thẳng vào màng nhĩ, rung lên từng đợt trong lòng tôi.

“Nó… chính là tiền.”

Hô hấp bắt đầu rối loạn, mắt tối sầm lại, tôi không kìm được muốn nôn.

“Đừng mà…”

Tôi nghe thấy giọng mình, như vọng từ nơi xa lắm.

“Tôi sẽ chuyển cho ông.”

Tôi gửi 631 tệ.

Không còn lại một xu.

Nhìn tài khoản trống rỗng, trong đầu tôi bỗng nảy ra một ý nghĩ.

Hay là không phá thai nữa, cứ để vậy cho đến khi đủ tháng, rồi làm như mấy vụ trên báo — lén sinh ở nhà vệ sinh công cộng, sau đó vứt đi.

Vứt vào nơi không ai thấy, nhấn nút xả nước…

Tôi bị chính suy nghĩ đó làm cho hoảng sợ.

Cách làm này, có khác gì cha mẹ ruột tôi đâu.

Tôi bị bỏ rơi ngay sau khi sinh, nằm trong bụi lau bên bờ sông.

Là một ông chú già cô độc trong làng nhặt tôi về. Ngoài tôi, ông ta còn “nhặt” thêm hai chị gái và một cô em gái nữa.

Nghe thì như một câu chuyện cảm động ấm lòng.

Nhưng chỉ có chúng tôi mới biết, ông ta là một tên khốn kiếp tồi tệ đến mức nào.

Dựa vào mấy đứa trẻ bị bỏ rơi, mỗi tháng ông ta đều nhận được trợ cấp.

Rồi đem hết đi đánh bạc.

Chị cả vừa đủ tuổi đã bị gả đi.

Chị hai thì biến mất không dấu vết sau một lần ông ta thua sạch bị người ta đến đòi nợ.

Tôi nói dối rằng đi làm xa, thực chất dùng tiền vay học để tiếp tục đi học.

Tưởng rằng có thể từng bước thoát khỏi vòng kiềm tỏa của ông ta.

Nhưng đến hôm nay tôi mới hiểu — tôi không bao giờ thoát nổi.

ĐỌC TIẾP :

Báo cáo