Chương 6 - Chiến Lược Đánh Bại Bác Sĩ Đẹp Trai
(12)
Sau khi trở lại phòng, trong lòng tôi bỗng nảy ra một ý nghĩ cứ thế bám rễ dần.
Tôi dần hiểu được vì sao Cố Hoài Thanh lại luôn kính trọng và trân quý mạng sống đến vậy. Dường như… tôi cũng tìm thấy phương hướng của mình.
Vừa nghĩ, tôi vừa thiếp đi lúc nào không hay.
Đến lúc tỉnh lại, là vì mùi thơm bay tới đánh thức.
Tôi dụi mắt, ngáp ngắn ngáp dài ra phòng khách thì thấy Cố Hoài Thanh đã chuẩn bị xong hết bữa sáng.
“Anh chu đáo ghê đấy.”
Tôi nói năng chẳng câu nệ gì, vậy mà anh cũng chẳng giận, còn đùa theo:
“Sống một mình lâu rồi, không tự lo được thì đói chết mất.”
“Đi rửa mặt rồi ăn sáng đi.”
Tôi giơ tay làm dấu OK, phi nhanh vào nhà tắm, rửa mặt xong là ngồi ngay vào bàn, háo hức nếm thử bữa sáng anh làm.
Mùi vị thật sự rất ngon.
“Ngon vậy à?”
Miệng tôi đầy thức ăn, nói líu ríu:
“Cơ hội hiếm có nha, lần đầu tiên anh nấu cho em đấy!”
Cố Hoài Thanh nhấp một thìa cháo, như lơ đãng buông lời:
“Muốn ăn thì cứ đến bất cứ lúc nào.”
“Mắt trời!!! Thật chứ!”
Tôi lại moi được một lời hứa của anh, sung sướng muốn bay lên luôn.
Ăn xong, anh nhìn đồng hồ:
“Đi thôi, em chắc sắp đến giờ học rồi?”
Thật ra hôm nay tôi không có tiết, nhưng cũng chẳng có lý do gì để bám lấy anh nên chỉ biết gật đầu.
Cố Hoài Thanh không lái xe, gọi một chiếc taxi chở cả hai về trường — chắc là anh đi khám bệnh.
Lúc tạm biệt, không hiểu sao lại cảm thấy có chút lưu luyến.
Bất giác rất mong chờ lần gặp tiếp theo.
(13)
Sau đêm hôm đó, tôi và Cố Hoài Thanh ngày càng thân thiết, tôi còn thường xuyên sang nhà anh “ăn chực”.
Khi buổi học bù cuối cùng kết thúc, tôi bỗng hỏi anh:
“Bác sĩ Cố, em muốn chuyển ngành sang học tâm lý lâm sàng.”
Anh hơi cau mày, ngạc nhiên:
“Sao đột ngột thế?”
Tôi nghiêm túc nói:
“Giống như anh từng nói, anh xem việc cứu mạng sống là điều thiêng liêng nhất.”
“Em cũng vậy. Em nghĩ việc cứu những người từng bị tổn thương về tinh thần cũng vô cùng quan trọng.”
Không ngờ anh chỉ thoáng ngạc nhiên rồi gật đầu đầy bình tĩnh, cũng nghiêm túc đáp:
“Con đường của em, không phải vì ai mà đi, nhất định phải là điều em thật sự yêu thích.”
Anh lại nói kiểu vòng vo như vậy đấy. Nghĩ tôi học ngành này vì anh.
Mà… đúng là anh đoán trúng rồi.
Nhưng tôi thật sự cũng ôm một mong muốn rõ ràng — muốn giúp những người đã chịu tổn thương.
Nếu không thể chữa lành, thì ít nhất cũng để họ bớt đau lòng hơn.
“Em là vì chính bản thân mình.”
Nghe được câu trả lời mà anh vừa ý, anh chìa tay ra với tôi:
“Rất mong được thấy em trở thành một bác sĩ tâm lý xuất sắc, cô bạn dũng cảm Hứa Nam Nam.”
Tôi nắm lấy bàn tay vẫn lạnh buốt của anh, bỗng thấy trong lòng như được tiếp thêm sức mạnh.
Tôi muốn đem ánh sáng của mình truyền sang cho anh.
Tôi hít một hơi thật sâu, lấy hết dũng khí, giữ lấy tay anh đang định rút về, nói:
“Em còn muốn dũng cảm hơn một chút nữa… ví dụ như… ngay lúc này.”
“Em không muốn buông tay anh.”
Anh mất một lúc mới hiểu được ý tôi, giữ nguyên tư thế đó, trầm mặc nhìn tôi rất lâu.
Cuối cùng, anh rút tay lại: “Xin lỗi.”
Tôi biết ngay mà, chắc chắn anh sẽ từ chối tôi.
“Không sao đâu, em nhất định sẽ đợi đến khi anh đồng ý.”
Tôi giả vờ như không có chuyện gì, nhưng tay thì đang run, và mắt thì đã đỏ hoe.
Cố Hoài Thanh dùng ngón tay nhẹ nhàng lau nước mắt cho tôi: “Anh hơn em bảy tuổi, em vẫn còn nhỏ. Lớn lên rồi sẽ gặp được người tốt hơn.”
Không đâu, em sẽ không gặp ai tốt hơn anh cả.
Tôi vẫn cố nặn ra một nụ cười, hỏi anh: “Vậy nếu lớn lên rồi mà em vẫn còn thích anh, anh có thể cân nhắc em không?”
Anh lại im lặng.
Tôi không đành lòng thấy anh khó xử, bèn giả vờ thoải mái: “Thôi không sao đâu, em sẽ khiến anh cảm nhận được quyết tâm của em.”
(14)
Sau khi thi xong, tôi liền đưa việc thể hiện quyết tâm lên lịch trình ưu tiên.
Dù không còn lớp học, tôi vẫn hay chạy qua nhà anh. Tai anh nghe không tốt, nhiều lúc không nghe thấy tiếng gõ cửa.
Nói tôi mấy lần không cần chờ mà cứ về trước, tôi chẳng nghe, cuối cùng anh đành bất lực đưa tôi một chiếc chìa khóa.
Cầm chìa khóa trong tay, tôi vui như bắt được vàng, rảnh là chạy sang nhà anh.
Cơ thể đã yếu như vậy rồi, bận rộn lên lại quên ăn uống.
Không còn cách nào, lần nào tôi cũng phải ép anh nghỉ ngơi.
Lúc đầu anh còn kháng cự chút chút.
Về sau, tôi chỉ cần đứng trước cửa phòng làm việc là anh tự động hiểu, ngoan ngoãn đứng dậy đi vận động.
Khi anh gặp ác mộng, tôi sẽ không vào phòng an ủi, mà ngồi ở cửa canh chừng. Đợi khi anh tỉnh dậy, tôi sẽ ôm lấy anh, khẽ nói:
“Chào mừng anh đến với một ngày tươi đẹp.”
Sắp đến Tết rồi, tôi bắt đầu mua đồ trang trí, làm nhà anh bớt lạnh lẽo, trông rực rỡ hơn một chút.
Anh khó hiểu hỏi:
“Anh sống một mình, em bày biện đỏ rực thế làm gì?”
Tôi từ trên thang nhìn xuống, lắc đầu với anh:
“Không, năm nay em sẽ ở đây với anh. Hai người thì cũng đủ rực rỡ rồi.”
Còn đang nói, cái thang bỗng hơi chao đảo, tôi suýt mất thăng bằng, nhưng được anh vòng tay qua eo đỡ lại.
Tôi lén nhìn anh, phát hiện tai Cố Hoài Thanh đỏ lựng.
Anh cố tình chuyển chủ đề, chỉ vào chậu cây tôi mang đến hôm qua hỏi:
“Cái cây này là gì mà cao thế? Để ở đây có ý nghĩa gì à?”
Tôi từ trên thang bước xuống, nghĩ một lúc rồi thành thật đáp:
“Cây phát tài, ý là cầu tiền bạc.”
Cố Hoài Thanh nghe xong nghẹn họng, mãi mới thốt lên một câu:
“Đúng là ước nguyện đơn giản mà thấm thía.”
Tôi chỉnh lại chậu cây, rồi bảo anh đứng cạnh nó:
“Ừ, đến khi cây cao bằng anh, thì anh hẹn hò với em nhé.”
Cố Hoài Thanh không ngờ tôi lại bẫy anh như thế, bị sặc một trận:
“Ước nguyện này… tự dưng không còn đơn giản nữa rồi.”
Tôi biết lý do anh không nhận lời tôi là gì — anh nghe không rõ, sức khỏe không bằng người thường, lớn hơn tôi nhiều tuổi, mà còn… có thể ra đi trước tôi.
Nhưng tôi không nghĩ như vậy.
Nếu được sống vui vẻ bên nhau ba mươi năm, tôi không ngại vài năm cuối đầy khó khăn. Mà tôi cũng không thấy đó là điều đau khổ.
Tôi không nhớ mình đã bị từ chối bao nhiêu lần rồi. Lúc đầu còn buồn, sau này thì… tê dại luôn rồi.
Tôi không chắc anh có thích tôi không, nhưng chắc chắn là anh không ghét tôi.
Và tôi cũng phát hiện ra, anh miệng thì cứng, nhưng tim thì mềm nhũn. Nhiều chuyện chỉ cần nũng nịu một chút, là anh lại chẳng thể làm gì được tôi.
Ví dụ như khi tôi cầm hai vé xem phim, rủ anh đi cùng.
Anh sẽ tìm đủ mọi lý do từ chối, vừa không làm tổn thương tôi, vừa khéo léo thoát thân.
Nhưng đúng lúc đó, tôi sẽ khịt khịt mũi, mấy giây sau viêm mũi dị ứng phát tác, cay xè mắt, nước mắt ứa ra. Nhìn bộ dạng đó, thể nào anh cũng mềm lòng, đồng ý đi cùng.
Thế mà lần nào đi xem phim, tôi cũng không trụ nổi đến hết. Cứ được nửa phim là ngủ gật.
Cố Hoài Thanh không hiểu nổi, rõ ràng tôi chẳng hứng thú gì với phim ảnh, sao cứ nhất định phải kéo anh đi xem, thậm chí còn hỏi:
“Ở nhà không ngủ được à? Sao cứ phải đến rạp ngủ?”
Tôi giờ đã mặt dày hơn nhiều.
Hồi trước chắc tôi còn ngại ngùng đỏ mặt. Nhưng giờ tôi còn trêu ngược lại:
“Ngủ trên giường không có bờ vai anh, sao mà bằng được.”
Anh bị tôi làm nghẹn họng, im re cả buổi, chỉ lẩm bẩm tự hỏi:
“Sao dạy mãi mà càng dạy càng lệch… Rốt cuộc sai từ chỗ nào?”