Chương 3 - Bước Đường Đến Thành Công Bất Ngờ
3.
Tôi sinh ra ở một ngôi làng nghèo tận vùng núi Mù Sương.
Trên tôi có một người anh trai hơn năm tuổi, dưới có một em trai kém tôi sáu tuổi.
Ba mẹ tôi cực kỳ trọng nam khinh nữ, tôi bắt đầu làm việc nhà từ lúc mới ba tuổi.
Anh tôi được đi học, tôi thì khóc lóc đòi đi theo, bố tôi nói:
“Con gái lớn lên cũng phải đi lấy chồng, nuôi là nuôi cho người ta. Thà ở nhà giúp việc cho bố mẹ đỡ phí hai chén cơm trắng mỗi ngày.”
Tôi khóc, nói không chịu, mẹ tôi liền cầm roi mây đầy gai quất tôi tới tấp, rồi nhốt tôi vào chuồng heo.
Mùi máu trộn với mùi phân heo nồng nặc, sống cũng chẳng thấy được ánh sáng gì.
May mắn thay, tôi đã gặp được cô giáo Giang.
Cô giáo Giang là sinh viên đại học đến từ thành phố, tình nguyện lên vùng núi dạy học.
Da cô trắng, dáng vẻ nhẹ nhàng, trên tay không có lấy một vết chai.
Tôi gặp cô khi đang lên núi cắt cỏ cho heo.
Cô nhìn tôi thật lâu, trong mắt bỗng dâng lên một tầng nước mắt.
Cô hỏi tôi có muốn đi học không, có muốn rời khỏi nơi này không?
Lúc đó tôi làm gì hiểu nổi những điều ấy.
Tôi chỉ đầy cảnh giác, nghĩ rằng: sao lại có người xa lạ đối xử với tôi tốt hơn cả bố mẹ ruột?
Tôi giật tay cô ra, chạy nhanh về nhà.
Nhưng từ lúc đó, ý nghĩ “rời khỏi ngọn núi này” đã cắm rễ trong lòng tôi như một hạt giống.
Cô Giang tìm hỏi khắp nơi mới tới được nhà tôi.
Cô nói với bố mẹ tôi rằng cô sẵn sàng chi trả học phí để tôi được đi học.
Bố tôi hơi không bằng lòng, vì một khi tôi đi học thì sẽ không ai làm việc nhà nữa.
Trong mắt cô Giang lại dâng nước mắt, cô ấy đúng là Bồ Tát sống.
Cô nói: “Cho Tiểu Thu đi học đi, mỗi tháng tôi gửi anh chị 100 tệ.”
100 tệ là một nửa tiền lương của cô Giang.
Nhờ vậy, tôi được học đến lớp 12.
Sau đó mẹ của cô Giang lâm bệnh nặng, cô đành về nhà để chăm sóc.
Anh tôi lúc đó đã 23 tuổi, đáng lý phải lấy vợ từ lâu rồi.
Nhưng bố mẹ tôi lười biếng, chẳng tiết kiệm được đồng nào, nên không có tiền cưới vợ cho anh.
Thế là họ bắt đầu tính đến tôi.
Gã đồ tể ở làng bên nuôi heo, có hai cô con gái nhưng chỉ có một đứa con trai thiểu năng.
Muốn cưới vợ cho con trai, nhưng lại kén chọn.
Không chỉ đòi vợ phải có ngoại hình đoan chính mà còn phải có học vấn.
Nhà đó đưa ra sính lễ 50.000 tệ, bố mẹ tôi nghe xong liền đến trường làm thủ tục cho tôi nghỉ học.
Còn đe dọa hiệu trưởng: nếu không cho tôi nghỉ, họ sẽ đâm đầu vào cổng trường chết luôn tại chỗ.
Chỉ còn ba tháng nữa thôi là tôi được thi đại học.
Sau đó, mẹ tôi lại muốn nhốt tôi vào chuồng heo như cũ.
Nhưng lần này tôi đã biết sợ, đợi đến khi họ ngủ say, tôi dùng gạch đập mỗi người một cú rồi trốn khỏi nhà ngay trong đêm.
Tôi gặp Hàn Dương trước cổng Đại học Giao Thông.
Giao Thông là ngôi trường trong mơ của tôi, cô Giang từng nói, với học lực của tôi thì đỗ Giao Thông là điều nằm trong tầm tay.
Hồi đó Hàn Dương để đầu đinh, áo sơ mi giặt đến bạc màu, ánh mắt u tối như mặt hồ cuối tháng Chạp.
Ném đá xuống cũng không nổi một gợn sóng.
Tôi nghĩ anh chắc cũng là một người khốn khổ giống tôi.
Tôi rụt rè bước lại gần, dùng tiếng phổ thông méo mó hỏi:
“Anh gặp khó khăn gì à? Có phải thi đỗ đại học rồi mà ba mẹ không cho tiền nên không được đi học không?”
“Không sao, tôi giúp anh. Tôi vừa tìm được việc rửa bát trong khách sạn, lương 2800, bao ăn ở. Tôi chỉ cần 300 thôi, còn lại 2500 tôi đưa anh hết.”
Tôi còn may, mới 19 tuổi, không bị coi là lao động trẻ em.
Hàn Dương ngẩn ra, ánh mắt vốn đã lạnh lẽo giờ càng thêm giá buốt.
Anh lạnh nhạt nói: “Tôi không cần cô tốt với tôi.”
Về sau tôi mới biết, con người Hàn Dương rất ngang bướng.
Anh vốn là con nhà thành phố, ba mẹ tình cảm rất tốt.
Cũng vì quá tốt, nên khi ba anh mất trong một vụ tai nạn giao thông, mẹ anh không chịu nổi cú sốc.
Dù anh có quỳ lạy cầu xin, bà vẫn chỉ muốn đi theo chồng.
Hàn Dương sợ bóng tối, cũng sợ máu.
Sợ bóng tối là vì từng bị nhốt trong căn phòng không có ánh sáng quá lâu.
Còn sợ máu là vì mẹ anh đã tự tử bằng cách cắt cổ tay, máu chảy đầy bồn tắm.
Chuyện ấy đã xảy ra chín năm trước rồi.
Thời gian qua lâu như vậy, dù có muốn tìm tôi trút giận thì sao chứ?
Ai mà lại đi từ chối tiền bạc và tương lai cơ chứ?
Huống hồ… chẳng phải còn có Cầm Ninh đấy à?
Tôi khẽ mỉm cười, cúi đầu chào Hàn Dương :
“Tổng Giám đốc Hàn nói đúng. Cảm ơn anh đã cho Đào Giang cơ hội này. Tôi nhất định sẽ làm việc chăm chỉ, cố gắng mang lại lợi ích lớn nhất cho công ty.”
Tay chị Hứa đang cầm cà phê run lên, không cẩn thận làm đổ nửa ly lên mặt bàn.
4.
Đến giờ nghỉ trưa, Sầm Thâm nhắn tin cho tôi:
“Chị không có ở nhà à?”
“Chị bắt đầu làm ở Tập đoàn Hựu Giang rồi, hôm qua thấy em tăng ca nên không nói với em.”
Bên kia hiện mãi trạng thái “đang nhập…”
Mãi hai ba phút sau, Sầm Thâm mới nhắn lại.