Chương 3 - Bóng Ma Không Gọi Tên
Nhưng khuôn mặt tôi trắng bệch vì đau dạ dày, những lần nôn ra máu…
Đâu phải giả.
Họ vẫn vờ như không thấy.
Từ hôm đó trở đi, tôi không bao giờ nói với họ về việc mình bị đau dạ dày nữa.
Cho đến khi không thể cứu vãn.
5
Thấy thầy Lưu định gọi bảo vệ đuổi người, ba mẹ tôi đành thất thểu rời khỏi trường.
Hành lang bệnh viện yên ắng. Chị Vân Huệ đang ngủ ngon lành.
Trên đầu giường là một chiếc bánh nhỏ, kẹp một tấm thiệp chúc mừng.
Trên đó nguệch ngoạc vài dòng chữ lớn:
“Ba mẹ vất vả rồi, mấy ngày nay con bệnh đã làm phiền ba mẹ quá nhiều.”
Thấy con gái yêu quý dù bệnh nặng vẫn nhớ tạo bất ngờ cho mình, ba mẹ tôi bỗng như trút hết bực dọc.
Mẹ lau nước mắt:
“Bảo sao người ta nói con gái là áo bông nhỏ trong lòng.”
Ba cũng gật gù đồng tình, rồi nhớ đến chuyện tôi biến mất, giọng trở nên giận dữ:
“Vân Huệ ngoan ngoãn, đâu như con nhỏ Nguyễn Ôn Viễn xui xẻo đó. Từ khi sinh ra đã chẳng yên thân lấy một ngày! Chị ruột bị bệnh mà nó còn có thể chơi trò mất tích cho được.”
Ánh mắt hai người đầy khinh thường, nhưng rồi lại nhớ đến lời giáo viên nhắc hôm nay:
Hãy đi kiểm tra bệnh án ở bệnh viện.
Muốn tra bệnh án của tôi, phải có giấy tờ chứng minh là người giám hộ.
Nhưng ba năm trước, họ đã nhẫn tâm đuổi tôi ra khỏi nhà, sổ hộ khẩu sớm đã sửa thành chỉ còn ba người.
Tôi bị đá ra, phải tự làm chủ hộ riêng, sống đơn độc.
Mẹ lục tung ngăn kéo, đóng sập lại một tiếng “rầm”, miệng chửi:
“Giấy khai sinh của con ôn thần đó đâu rồi?”
“Không tìm được, hồi đó nói rồi, tôi vứt đi rồi còn gì.”
Ba tôi bịt mũi, đạp cửa phòng tôi – nơi giờ đây chất đầy đồ đạc, bị họ biến thành nhà kho.
Ông giật mạnh ngăn tủ đầu giường. Không có giấy tờ họ muốn.
Chỉ có một cuốn nhật ký của tôi.
“Hôm nay thi Toán được điểm tuyệt đối, ba mẹ cuối cùng cũng chịu dẫn mình đi chơi.”
“Thật ghen tỵ với chị, mình cũng muốn có nhiều bộ đồ đẹp như vậy.”
Tủ quần áo mở toang. Toàn bộ đồ của tôi cũng ở đó.
Treo lỏng lẻo thành một hàng, chiếm chưa tới nửa tủ.
“Mẹ luôn mắng mình là sao chổi. Mình phải học thật giỏi, sau này kiếm tiền đem lại may mắn cho ba mẹ. Như vậy sẽ không bị mắng nữa, đúng không?”
Những trang nhật ký lấm tấm nếp gấp, in hằn dấu vết nước mắt đã khô từ lâu.
Ba mẹ tôi đang chăm chú đọc thì chuông điện thoại bất ngờ vang lên chói tai —
Là cuộc gọi từ bệnh viện, báo rằng chị Vân Huệ vì bệnh nặng mà đã hôn mê.
6
Họ hấp tấp bỏ đi, tiện tay ném quyển nhật ký vào đống đồ lộn xộn.
Rồi lao như bay đến bệnh viện.
Không thấy chị Vân Huệ trong phòng bệnh, hai người thở hồng hộc chạy đến phòng phẫu thuật. Chỉ đến khi bác sĩ xác nhận tình trạng đã ổn định, họ mới chịu dựa tường nghỉ lấy sức.
“Đưa vào kịp thời nên không nguy hiểm tính mạng, chỉ cần theo dõi thêm vài ngày trong phòng chăm sóc đặc biệt là được.”
Vị bác sĩ lo lắng dặn dò thêm, bảo ba mẹ tôi phải nhanh chóng tìm được nguồn thận.
Ba tôi gật đầu lia lịa, sau đó âm thầm gửi thêm vài phong bao cho nhóm thám tử tư.
Bằng mọi giá, nhất định phải tìm ra tung tích của tôi!
Ngày hôm sau, chưa thấy thám tử đến, lại có một vị khách không mời xuất hiện.
Là thầy Lưu – giáo viên chủ nhiệm của tôi – ôm một chồng hồ sơ dày cộp đến tận nơi.
“Đừng tìm nữa.”
Nhìn vào căn phòng tiện nghi của chị Vân Huệ, ánh mắt thầy Lưu lóe lên, không khỏi nhớ về khoảng thời gian cô học trò Nguyễn Ôn Viễn sống lặng lẽ cô độc.
Không có tiền, không ai chăm sóc, tôi chỉ có thể sống lay lắt trong phòng bệnh đông người.
Sao mà sánh nổi với phòng VIP một người như của chị?
Thầy khẽ lau khóe mắt ươn ướt, chậm rãi nói:
“Đây là toàn bộ bệnh án của Nguyễn Ôn Viễn tôi đã sắp xếp lại.”
“Còn có cả giấy chứng tử của em ấy.”
“Bằng chứng đầy đủ, hãy để Nguyễn Ôn Viễn được yên.”
Tôi lơ lửng giữa không trung, lặng lẽ quan sát phản ứng của ba mẹ.
Trên cùng xấp giấy là tờ giấy chứng tử có dấu đỏ của bệnh viện.
Không thể làm giả, bằng chứng rõ ràng.
“Xoẹt!” – Một tiếng xé xé toạc không khí im lặng.
Ba tôi thản nhiên xé nát tờ giấy chứng tử, vứt thẳng vào mặt thầy Lưu!