Chương 6 - Bình luận trên không và hành trình tìm gia đình
6
Mẹ tiễn tôi tới trường, đưa hộp giữ nhiệt chứa bánh bao cho tôi:
“Duyệt Duyệt, con mang cho bạn bè nếm thử xem họ có thích không nhé.”
【Đang làm khảo sát thị trường sao? Cả nhà này đúng là có tầm nhìn.】
【Quả nhiên là mẹ nữ chính, giỏi thật, nghĩ ra đường lui nhanh như thế.】
【Cũng phải nhờ nữ phụ nhắc nhở chứ. Tiệm bánh bao kia ỷ không có đối thủ, bánh chẳng ngon mà vẫn bán tốt.】
【Cảm giác cả gia đình đồng lòng thế này dễ thương hơn mấy màn đấu đá, tôi thích!】
Tôi mang hộp giữ nhiệt trống không về nhà.
“Mẹ ơi, bạn con nói bánh bao mẹ làm là ngon nhất mà họ từng ăn.”
“Bạn còn muốn con mang bữa sáng cho họ nữa.”
Mẹ vui mừng khôn xiết: “Thật thế sao?”
“Nhưng con từ chối rồi.”
“Chỉ làm cho một người thì kiếm được bao nhiêu chứ. Mẹ mở quán ngay trong trường con đi.”
Bố cười nói: “Con gái, mấy hôm nay bố mẹ đã hỏi giá thuê cửa hàng rồi, một tháng 2.000 tệ.”
“Tiền của bố đã bồi cho công nhân hết, đợi bố gom góp thêm, tháng sau sẽ thuê cửa hàng.”
Tôi lắc đầu: “Bố mẹ mở ngay trong căng tin trường cũng được.”
“Con đã cho thầy hiệu trưởng ăn thử bánh bao, thầy cũng rất thích.”
“Phí thuê quầy rẻ hơn ngoài nhiều.”
Tiệm bánh bao của mẹ nhanh chóng khai trương trong căng tin trường học.
Bố không đi công trường nữa, toàn tâm toàn ý phụ giúp buôn bán.
Tôi còn kêu gọi các bạn trong lớp đến mua bánh bao.
Ban đầu, mọi người chỉ nể mặt tôi mà mua, nhưng sau này chẳng cần tôi nói, ai nấy đều tự nguyện xếp hàng.
Nhiều lần tôi đi muộn, phải xếp cuối hàng dài.
Đợi tới lượt mình, nhân bánh tôi muốn ăn thường đã bán hết.
“Nhân bò cà rốt, chẳng lẽ lại hết rồi sao?”
Tôi bực bội suýt kêu than.
Những năm sống quá yên ổn đã khiến tôi quên mất kỹ năng giành đồ ăn từng luyện ở cô nhi viện.
Lúc này, bố từ dưới quầy móc ra một cái bánh bao đã được gói sẵn đưa cho tôi.
Tôi cắn một miếng, đầy ắp nhân bò và cà rốt.
“Cảm ơn bố.”
Tôi cười tươi, quẹt thẻ rồi rời đi.
Vài tháng sau, mẹ về nhà để dưỡng thai.
Bố được mẹ huấn luyện kỹ lưỡng rồi tự mình trông quầy.
Một buổi chiều nắng đẹp, bố xin phép giáo viên cho tôi nghỉ học để đưa tôi đi.
Tôi đứng chờ ở hành lang bệnh viện, đợi bố mẹ bế em bé ra.
Rất nhanh, tiếng khóc chào đời vang lên.
Em gái tôi đã ra đời.
Năm tôi đỗ vào trường trung học trọng điểm, bố mẹ dùng số tiền tích cóp nhiều năm mua cho cả nhà một căn hộ trong khu học gần trường.
Họ mở tiệm bánh bao ngay gần trường học, chẳng bao lâu đã có một lượng lớn học sinh khách quen.
Còn em gái tôi thì sao…
“Ngô Khanh Hân, nhả ngay thứ trong miệng ra, bánh bao còn chưa hấp chín kìa!”
Lúc Hân 2 tuổi, tôi phải móc một cục bột sống to tướng từ trong miệng nó ra, làm nó khóc ầm trời.
“Ngô Khanh Hân, đừng đi theo chị nữa, trẻ mẫu giáo không được vào trường chị đâu.”
Năm Hân 5 tuổi, nó vừa khóc vừa đòi theo tôi đến trường, tôi cố tình làm mặt dữ đuổi nó đi.
Thật buồn cười, những lời bình luận năm xưa, lại được ứng nghiệm theo một cách vừa kỳ lạ vừa nực cười như thế.
Nhưng chúng tôi yêu thương nhau như chị em ruột, sao có thể trở thành cái gai trong mắt nhau được chứ?
Chúng tôi lớn lên trong tình yêu, càng ngày càng giống nhau.
Không ngờ, vẫn luôn có kẻ muốn chia rẽ chúng tôi.
Khi tôi thi đỗ vào trường đại học TOP1, bố mẹ treo băng rôn đỏ rực trước cửa tiệm bánh:
【Chúc mừng con gái đỗ vào Đại học P, hôm nay bánh bao miễn phí, mỗi người giới hạn 3 cái.】
Cả nhà bốn người chúng tôi bận rộn từ sáng, tiệm bánh bao tặng ra hơn một nghìn chiếc.
Lời chúc mừng từ khách quen mới cũ vang khắp cửa tiệm, bố mẹ rạng rỡ hẳn lên.
Để ăn mừng việc gia đình có một nữ sinh đại học danh giá, bố mẹ nghe lời khích lệ của họ hàng, tổ chức tiệc cảm ơn thầy cô.
Mời cả thầy cô, bạn học và họ hàng dưới quê đến dự.
Giữa bữa tiệc, một người họ hàng kém tinh ý buột miệng hỏi:
“Duyệt Duyệt học giỏi thế, sao thành tích của Khanh Hân chẳng ra gì vậy?”
Hắn nhướng mày hỏi bố mẹ tôi:
“Có phải hai người lo chăm con lớn, rồi không để ý đến con nhỏ không?”
Bố mẹ tôi chưa kịp lên tiếng phản bác.
“Anh nói linh tinh gì đấy?” – người phụ nữ bên cạnh huých vào tay hắn, nói tiếp:
“Dù sao Duyệt Duyệt cũng đâu phải con ruột nhà họ Ngô, sao mà giống nhau được?”